Cuối tuần qua, Facebook vừa công bố một trong những thông tin chính thức gây nhiều sự chú ý của giới hành pháp và các tổ chức nhân quyền. Đó là bản "Báo cáo về các Yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng của chính phủ các quốc gia trên thế giới". Đây được xem như một nỗ lực chung nhằm tái cấu trúc lại quá trình giám sát thông tin của các quốc gia theo hướng minh bạch hơn.
Bản báo cáo gồm danh sách chi tiết của 91 quốc gia (có cả Việt Nam, xem chi tiếtTẠI ĐÂY), cung cấp thông tin về số lượng các yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng mà chính phủ các nước gửi đến cho Facebook, số lượng tài khoản Facebook có liên quan đến các dữ liệu này, cũng như các vấn đề đang và sẽ bị kiểm duyệt do vi phạm quy định của luật pháp nước sở tại nơi Facebook đang hoạt động.
Từ báo cáo cho thấy chính phủ các nước trên thế giới đều đang tăng cường việc yêu cầu cung cấp dữ liệu Facebook, cũng như các giới hạn về nội dung phù hợp với luật pháp địa phương. Facebook nhận thức rằng các thay đổi này nhằm thích nghi trước các mối đe dọa nghiêm trọng ngày càng tăng lên đối với cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các cơ quan thực thi luật pháp tăng cường bảo đảm an toàn cho người
Cụ thể, các yêu cầu cung cấp dữ liệu từ chính phủ đã tăng lên 13%, từ mức 41.214 lên mức 46.763 vụ trong năm 2015. Đồng thời, số lượng các vấn đề nội dung vi phạm luật pháp địa phương cũng tăng mạnh gấp đôi so với nửa đầu năm 2015, từ mức 20.568 lên mức 55.827 vụ.
Để giải tỏa khúc mắc cho người dùng, Facebook cung cấp một số ví dụ điển hình giải thích tại sao chính phủ một số quốc gia yêu cầu hạn chế nội dung và cách Facebook đáp ứng lại như thế nào.
Đơn cử là trường hợp một bức ảnh liên quan đến vụ khủng bố hồi tháng 11/2015 tại Paris, được nhận định là vi phạm luật của Pháp về bảo vệ nhân phẩm công dân, khiến Facebook phải khóa truy cập tới 32.000 bài đăng chia sẻ lại tấm ảnh này chỉ riêng tại Pháp, nhằm đáp ứng yêu cầu từ chính phủ Pháp.
Trong số 3 nước mà chính phủ dường như theo sát các diễn biến trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này, Malaysia đang dẫn đầu khu vực về số lượng yêu cầu cung cấp dữ liệu với 13 vụ và 18 tài khoản liên quan, bỏ xa tất cả các quốc gia còn lại. Philippines và Thái Lan đứng ở hai vị trí tiếp theo sau.
Có thể suy đoán, trường hợp của Malaysia chắn hẳn liên quan đến các vụ tai nạn máy bay liên tiếp trong năm vừa qua đòi hỏi chính phủ nước này phải rà soát thông tin trên mạng xã hội phục vụ cho công tác điều tra. Còn với Phillipines và Thái Lan, mối lo ngại lớn nhất có lẽ vẫn là chủ nghĩa khủng bố đang âm ỉ.
Việt Nam tuy gần như đứng chót trong danh sách của Facebook cùng với Brunei với chỉ 1 vụ với 2 cá nhân nhưng thông tin này cũng phần nào chứng tỏ, chính phủ đã có sự vào cuộc trực tiếp và sẽ còn tăng cường giám sát các hoạt động trên mạng xã hội này trong thời gian tới. Đáng chú ý, chỉ duy nhất Myanmar là nước có Hạn chế về nội dung, chứng tỏ quốc gia này còn chưa thực sự hội nhập với phần còn lại của ASEAN và thế giới.
Lần đầu tiên, Facebook cũng công khai cho biết khoảng 60% yêu cầu cung cấp dữ liệu từ chính phủ (tại Mỹ) bao hàm cả điều khoản cấm tiết lộ thông tin, do đó đối với các trường hợp này Facebook không thể thông báo cho chính người dùng biết họ đang bị giám sát. Điều này không khỏi dấy lên lo ngại rằng chính phủ, và liên đới là Facebook, đang thực hiện các hành vi vi phạm quyền tự do cá nhân và tự do thông tin.
Tuy nhiên, Facebook nhấn mạnh đội ngũ pháp lý của họ luôn đặt quyền lợi của người dùng lên trên hết và không bao giờ cung cấp cho chính quyền bất cứ cổng truy cập lén (back door) hay quyền truy cập trực tiếp vào dữ liệu cá nhân của người dùng. Facebook cũng luôn xem xét tỉ mỉ từng yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng dựa trên đúng căn cứ luật pháp, không phân biệt quốc gia nào. Một khi những yêu cầu này vô căn cứ hay vượt quá quyền hạn, Facebook sẽ từ chối thẳng thừng và thậm chí không ngần ngại bảo vệ quyền lợi của chính họ và người dùng trước tòa án nếu cần thiết.
Như vậy, hơn 1.65 tỉ người dùng mạng xã hội lớn nhất thế giới này có thể yên tâm rằng dữ liệu cá nhân của họ và quyền riêng tư vẫn luôn được bảo vệ an toàn, ít nhất là nếu người dùng tại các quốc gia không tham gia vào các hoạt động phạm pháp, âm mưu lật đổ hay dính líu tới chủ nghĩa khủng bố.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Nguồn: thegiodidong