Việc ứng dụng MarTech không chỉ là bài toán của những doanh nghiệp lớn mà kể cả những doanh nghiệp nhỏ hoặc thậm chí là những người bán hàng online đều sẽ phải cập nhật. Vì đơn giản là thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi.
MarTech sẽ trở thành xu thế
Với xu thế công nghệ ngày càng phát triển và ứng dụng rộng rãi thì marketing cũng không nằm ngoại lệ là buộc phải ứng dụng nền tảng công nghệ để thúc đẩy quá trình phát triển và trở nên hiệu quả hơn.
Trong thời đại của công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, nếu muốn tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi hình thức marketing. Và thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến MarTech nhằm cải thiện hiệu quả quảng bá thương hiệu, cá nhân hóa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng mục tiêu.
MarTech chính là sự kết hợp giữa marketing và technology, là tập hợp những giải pháp, nền tảng công nghệ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm/thương hiệu đến với khách hàng mục tiêu trên những kênh thông tin khác nhau.
Tại chương trình MarTech Talks 03 diễn ra vừa qua, ông Đoàn Đức Thuận – Phó Tổng Giám đốc Chiến lược và Marketing Công ty thời trang Kowil chỉ ra rằng: "Thương hiệu thời trang Nam Owen đang thực hiện chuyển đổi. Trong công cuộc cập nhật để đáp ứng khách hàng mới, hành trình mới, hành vi mới của khách hàng thì chúng ta cũng phải làm mới mình và làm mới theo sự thay đổi của thị trường. Đặc biệt phải áp dụng công nghệ vào trong hoạt động marketing nhằm mang lại sự tương tác và trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng. Và MarTech chính là xu thế".
Việc ứng dụng MarTech không chỉ là bài toán của những doanh nghiệp lớn mà kể cả những doanh nghiệp nhỏ hoặc thậm chí là những người bán hàng online đều phải cập nhật. Vì đơn giản là thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi.
Những nhóm phương pháp để áp dụng công nghệ để tiếp thị và quảng bá sản phẩm
Thay đổi để phát triển là điều cấp thiết đối với bất cứ một doanh nghiệp nào trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên thay đổi để áp dụng công nghệ để tiếp thị và quảng bá sản phẩm không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp đang sở hữu hệ thống và chuỗi cửa hàng.
Cũng tại sự kiện, Phó Tổng Giám đốc Chiến lược và Marketing chia sẻ, Owen cũng là một thương hiệu đang thay đổi và chưa thành công. Tuy nhiên, ông đã chỉ ra 4 nhóm phương pháp mà Owen đã thực hiện trong quá trình phát triển chuỗi và định hình để xuất hiện trên môi trường số:
Nhóm thứ nhất, làm thế nào để người tiêu dùng biết đến mình đang bán hàng online khi mình đã và đang kinh doanh online? Với nhóm này phải có hình thức quảng cáo hiệu quả, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Hình thức marketing phải tối ưu được lợi ích mang đến cho khách hàng và doanh nghiệp đầu tư.
Nhóm thứ hai, nhóm đã mang lại được khách hàng cho website. Bản chất của website chính là một cửa hàng online. Phải làm thế nào để khi khách hàng đến website thì chúng ta cũng có thể tiếp đón họ khi họ đến cửa hàng.
Tiếp đón khách hàng khi họ đến website là một việc rất quan trọng. Đó chính là hình thức chuyển đổi số. Việc tối ưu chuyển đổi phụ thuộc vào việc thiết kế và xây dựng website như thế nào, nhân viên tương tác ra sao? Thiết kế trang website quá xấu cũng giống như việc khách hàng đến cửa hàng nhưng không có nhân viên tiếp đón. Khách hàng sẽ bỏ đi và kết quả là những giai đoạn marketing trước đó đều bị lãng và và sử dụng không hiệu quả.
Ông Tùng Lê, CMO của Sun House cũng chia sẻ: "Nhiệm vụ quan trọng nhất trong marketing là làm thế nào để tương tác với khách hàng và đưa khách hàng đến với điểm bán của mình, để họ thấy được có sự gắn kết và trải nghiệm tốt nhất".
Nhóm thứ ba, nhóm xử lý đơn hàng. Đây là nhóm xử lý những bộ phận tối ưu chuyển đổi mà khách hàng đã sẵn sàng mua hàng nhưng lúc xử lý đơn hàng lại rất lâu, rắc rối hoặc thậm chí là thất lạc hàng hóa. Đây là nhóm có liên quan nhiều nhất đến quy trình nội bộ. Và đây cũng chính là nỗi đau mà nhiều doanh nghiệp gặp phải.
Nhóm thứ tư, nhóm sở hữu quan hệ khách hàng trung thành. Đây là nhóm khách hàng rất tiềm năng nhưng nhiều doanh nghiệp lại cho rằng khi bán xong sản phẩm cho khách hàng là đã xong và họ chỉ cần thế. Nhưng đối với những thương lớn thì không thể làm như vậy. Nếu doanh nghiệp nào có hành động như thế thì chẳng khác nào tự vẫn.
Với nhóm sở hữu quan hệ khách hàng trung thành, CEO Accesstrade Đỗ Hữu Hưng cũng quan điểm rằng: "Đừng tham, chúng ta hay chết vì chúng ta tham. Nếu hôm nay chúng ta gặp 5 khách hàng thì ngày mai đừng tham là sẽ gặp 5 khách nữa. Ngày mai chỉ cần 3 khách thôi, hãy dành thời gian chăm 5 khách hàng cũ để trong số đó sẽ có ít nhất 3 người quay trở lại".
Tạo mối quan hệ với khách hàng trung thành, chăm sóc khách hàng chính là chiến lược bảo vệ data. Vì đó chính là những khách hàng thực sự tiềm năng trong tương lai.