Trong khi Google, Facebook hay Amazon đang làm giàu nhờ vào kho dữ liệu khổng lồ đã dày công thu thập và vẫn cố gắng có thêm nhiều thông tin từ người dùng thì hầu như các doanh nghiệp Việt Nam lại đang có một cách ứng xử tương đối lạc hậu với dữ liệu.
“Phần lớn các doanh nghiệp sở hữu khối dữ liệu Big Data hàng đầu tại Việt Nam chưa tư duy về dữ liệu. Chính vì vậy, chúng ta cần trang bị thông tin để làm sao tái cấu trúc hệ thống, thiết lập cơ sở hạ tầng thông tin, thu thập, xử lý, để dữ liệu lớn (Big Data) phát huy giá trị to lớn của nó”, bà Phạm Thị Minh Phương, Giám đốc điều hành Greenhat & VietnamJoy nhận xét tại Diễn đàn dữ liệu quốc tế (Big Data Innovation Summit 2016) vừa diễn tại TP HCM.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về Big Data cho biết, nhóm ngành: viễn thông, tài chính ngân hàng, bán lẻ, tiếp thị số… đang chiếm ưu thế về nguồn dữ liệu khổng lồ và có nhiều cơ hội tăng trưởng vượt bậc nếu biết cách khai thác hiệu quả. Theo ông Lưu Danh Anh Vũ – Giám đốc quốc gia mảng điện toán đám mây IBM Việt Nam, hiện tín hiệu khả quan nhất đang đến từ các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu như: Viettel, Mobifone, VNPT. Các đơn vị này đang có những bộ phận, thậm chí là công ty riêng, chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin để làm nhiệm vụ khai thác dữ liệu. Tuy nhiên, về mặt bằng chung, khả năng khai thác Big Data ở Việt Nam đang kém so với nhiều nước.
“Việt Nam có nhiều thuận lợi là lực lượng dân số trẻ, mức độ cập nhật công nghệ cao. Tuy nhiên, với lãnh đạo doanh nghiệp thì chúng ta có một độ trễ nhất định trong việc ứng dụng Big Data. Dữ liệu nằm yên một chỗ thì nó không có ý nghĩa gì hết, mà phải biến nó thành dữ liệu biết nói và nói đúng ngữ cảnh. Từ đó, nó sẽ giúp chúng ta đưa ra hành động hợp lý, tối ưu hóa được nhiều vấn đề”, ông Vũ chia sẻ.
Ông Shane Rigby – Chuyên gia tư vấn cấp cao Big Data Week Vương quốc Anh cho biết, trong vòng 4 năm nữa, dung lượng dữ liệu số của toàn thế giới sẽ đạt 44 zettabytes (44.000 tỉ gigabytes) gấp 10 lần so với hiện nay. Ít nhất một phần lượng dữ liệu này sẽ vận hành trên nền tảng điện toán đám mây. Cũng chính vì thế, thị trường Hadoop – một nền tảng mềm mã nguồn mở để lưu trữ và quản lý big data, có thể làm việc với khối lượng dữ liệu khổng lồ tính bằng petabytes – được dự đoán tăng trưởng vượt con số 1 tỷ đôla vào 2020 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 58%.
“Với lợi thế dân số trẻ, trên 90 triệu người, dân số internet cao, khoảng 54 triệu người chiếm 57%, Việt Nam được xem là thị trường Big Data tiềm năng hàng đầu khu vực châu Á”, ông Shane Rigby dự báo.
Tuy vậy, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đồng ý rằng, sự am hiểu và vận dụng về Big Data của doanh nghiệp Việt còn ở giai đoạn chập chững, thậm chí là mơ hồ và không biết phải bắt đầu từ đâu.
Theo ông Amjad Zaim – CEO của Cognitro – nhà khoa học dữ liệu – một trong Top 38 chuyên gia Big Data hàng đầu thế giới, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung để có thể khai thác được giá trị của Big Data là phát triển một tư duy phân tích dữ liệu, nuôi dưỡng một văn hóa dữ liệu trong doanh nghiệp.
“Phương pháp hiệu quả nhất là lựa chọn những công việc/dự án nhỏ có kích thước dữ liệu tương đối, phân tích, áp dụng để đạt kết quả tăng trưởng cao, thực hiện trong thời gian nhanh nhất mà có thể đáp ứng được những chiến lược kinh doanh. Từ đó chứng minh được giá trị sức mạnh của phân tích dữ liệu và cuối cùng là thuyết phục được ban giám đốc, nhà đầu tư của công ty. Doanh nghiệp thành công sẽ thu hoạch được 3 ROI, tức hoàn vốn đầu tư trên dữ liệu, sự thấu hiểu dữ liệu và đổi mới kinh doanh”, ông Amjad Zaim gợi ý.
Cũng theo chuyên gia này, hiện hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới đều đang ở tình trạng “ngập lụt” trong dữ liệu. Do đó, việc xây dựng đội ngũ và lựa chọn công nghệ để phân tích dữ liệu hiệu quả là rất cần thiết. Tuy nhiên, đề cập đến một bước căn bản hơn nữa, ông Lưu Danh Anh Vũ khuyến nghị, đầu tiên, doanh nghiệp nên ý thức đến vấn đề số hóa dữ liệu của mình. Làm được điều này thì họ mới có thể bắt đầu nghĩ đến việc “khai thác vàng” từ kho dữ liệu.
Theo vnexpress